Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016

Những cách “lấy lòng” đồng nghiệp

Đây có thể là nguyên tắc quan trọng nhất. Khi một đồng nghiệp giúp đỡ bạn, đừng quên cám ơn. Nếu sự nỗ lực của anh/ cô ấy nổi bật và đáng ghi nhận, hãy thông báo cho sếp biết.

Sự ủng hộ và tôn trọng của đồng nghiệp là yếu tố không thể thiếu trong thành công của bạn. Nói một cách đơn giản, mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp sẽ giúp cuộc sống công sở “ dễ thở” hơn.
Dưới đây là 8 cách giúp bạn chiếm được tình cảm của những người làm việc cùng:
1. Luôn thân thiện 
Danh tiếng của bạn không chỉ được hình thành bởi chất lượng công việc mà còn ở thái độ của bạn. Hãy mỉm cười và chào hỏi những người bạn gặp ở hành lang công ty. Đó là cách đơn giản nhất để thể hiện thái độ thân thiện và tích cực. Những hành động nhỏ nhưng hiệu quản lớn khác là mở cửa, giữ thang máy chờ đồng nghiệp. Ấn tượng tốt về vẻ ngoài thân thiện sẽ khiến mọi người muốn làm việc cùng bạn. 
2. Chủ động giúp đỡ đồng nghiệp 
Giữa các nhiệm vụ của mình, bạn có thể dành chút thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn. Nhưng nếu khi bạn thảnh thơi, có đồng nghiệp đang bị stress vì một dự án lớn, hãy đề nghị giúp đỡ anh/ cô ấy. Đồng nghiệp sẽ đánh giá cao hành động đẹp này và sẵn sàng giúp đỡ khi bạn cần ở những lần sau. 
3. Tình nguyện thực hiện một dự án ít được chú ý 
Tất nhiên, bạn có thể không thấy nó thú vị. Nhưng nếu tình nguyện thực hiện, bạn có thể tạo danh tiếng như một thành viên trong nhóm, đồng thời xây dựng những kĩ năng mới trong quá trình làm việc. Thêm nữa, những dự án như thế này đôi khi khiến sếp chú ý tới bạn hơn. 
4. Ghi điểm từ những hành động nhỏ 
Bạn có thể tránh trở thành nguyên nhân khiến công việc của mọi người buồn tẻ hơn chỉ bằng một số việc làm nhỏ. Ví dụ, hãy dọn dẹp phòng nghỉ cho mọi người, bỏ giấy vào khay in khi hết, lấy nước uống… Còn nếu bạn không thể sửa những thiết bị mình làm hỏng, hãy nhanh chóng thông báo cho người có thể giúp đỡ thay vì che giấu. 
5. Chú ý tới những thói quen gây phiền hà của bạn 
Hãy cố gắng tránh làm đồng nghiệp phát cáu, đặc biệt nếu bạn làm việc trong môi trường cởi mở, nơi mọi người gần gũi với nhau. Ví dụ, nếu bạn thích nghe nhạc ở bàn làm việc, hãy đeo tai nghe. Đừng vì cho rằng ai cũng thích nghe nhạc mà bật loa ngoài bởi nó dễ khiến mọi người mất tập trung. Hoặc nếu bạn thích ăn sầu riêng, đừng ăn tại bàn làm việc vì mọi người có thể khó chịu với mùi của nó. 
6. Ăn trưa cùng nhân viên mới 
Chắc hẳn bạn còn nhớ cảm giác của mình trong ngày đầu tiên đi làm, không quen biết ai và thắc mắc về mọi thứ: máy photocopy ở chỗ nào, sử dụng máy fax sử dụng ra sao… Nhân viên mới cũng sẽ trải qua những điều tương tự. Và bạn, với tư cách một người đi trước, có thể giúp đỡ họ bằng cách rủ anh/ cô ấy ăn trưa và giải thích những quy tắc riêng của văn phòng, đồng thời giải đáp thắc mắc của họ. Những hành động đẹp sẽ được đồng nghiệp ghi nhớ. 
7. Lắng nghe 
Bạn có thể chắc chắn rằng ý tưởng giải quyết vấn đề của mình là tốt nhất nhưng hãy lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp trước khi đưa ra quan điểm của bạn. Điều đó thể hiện sự tôn trọng đồng nghiệp và cho họ thấy bạn đánh giá cao ý tưởng của họ. Thêm nữa, bạn cũng có thể rút ra điều gì đó từ ý kiến của họ để bổ sung cho giải pháp của mình. 
8. Ghi nhận nỗ lực của đồng nghiệp 
Đây có thể là nguyên tắc quan trọng nhất. Khi một đồng nghiệp giúp đỡ bạn, đừng quên cám ơn. Nếu sự nỗ lực của anh/ cô ấy nổi bật và đáng ghi nhận, hãy thông báo cho sếp biết.
Và cuối cùng, hãy nhớ nguyên tắc vàng khi tương tác với mọi người trong văn phòng: Đối xử với mọi người theo cách bạn muốn mọi người đối xử với mình. Theo cách đó, bạn sẽ tạo được “ tiếng thơm” là một đồng nghiệp thân thiện và tốt bụng.

Những cách thiết kế góc làm việc để giảm stress

Khi chọn đồ dùng cho văn phòng, hãy ưu tiên cho sự thoái mải, chứ không phải vẻ ngoài của chúng. Có thể bạn là người có vị trí cao trong công ty và muốn gây ấn tượng với những người ghé qua bằng đồ đạc hào nhoáng. Nhưng hãy nhớ rằng bạn sẽ dành nhiều thời gian ở văn phòng của mình và bạn cần sự thoải mái. Do đó, hãy ưu tiên cho một chiếc ghế thoải mái thay vì một chiếc ghế cầu kì nhưng khiến bạn đau lưng khi ngồi lâu.


Stress không chỉ là sự phiền toái mà còn là mối nguy hiểm về sức khỏe. Nếu làm giảm mức độ căng thẳng, nó sẽ tạo tác động lớn tới sức khỏe lẫn cảm xúc và tinh thần làm việc. Một phương pháp mới để giảm stress là thiết kế góc làm việc phù hợp.
Theo các nhà nghiên cứu, cách bạn thiết kế, sắp xếp và sử dụng góc làm việc (hoặc văn phòng riêng) có thể tác động lớn tới lượng stress bạn cảm thấy trong cuộc sống công sở hàng ngày. Dưới đây là một số cách làm đơn giản để thiết kế góc làm việc của bạn, từ đó xua tan dần căng thẳng, mệt mỏi trong bạn:
1. Đặt mọi thứ đúng chỗ
Sử dụng hàng giờ tìm kiếm một tài liệu quan trọng đủ để khiến mức độ căng thẳng tăng lên tức thì. Hãy làm giảm stress bằng cách đặt mọi thứ ở đúng chỗ của chúng. Bạn có thể đầu tư một kệ tài liệu để sắp xếp những tài liệu quan trọng. Như vậy, bạn sẽ nhanh chóng tìm thấy những gì mình cần.
2. Nghe một chút nhạc du dương
Âm nhạc bao quanh có ảnh hưởng lớn tới tâm trạng và mức độ căng thẳng của bạn. Hãy chọn một CD nhạc cổ điển yêu thích và bật nhỏ volume hoặc đeo tai nghe để tránh làm phiền đồng nghiệp. Bạn sẽ ngạc nhiên về sự thư thái mà âm nhạc yêu thích có thể mang đến cho bạn.
3. Sử dụng ánh sáng nhẹ
Ánh sáng huỳnh quang được sử dụng ở nhiều văn phòng hiện nay có thể quá chói và khiến một số người đau đầu. Thay vào đó, bạn nên chọn đèn có ánh sáng nhẹ và đèn bàn cho góc làm việc của mình.
4. Mang tới cảm giác của gia đình
Hãy trang trí xung quanh góc làm việc của bạn bằng những vật thân thuộc và thoải mái, như ảnh người bạn yêu thương, ảnh từ kì nghỉ gần nhất hay bức tranh ngộ nghĩnh do con bạn vẽ. Một chút cảm giác của gia đình ở công sở nhắc nhở lí do bạn làm việc chăm chỉ và giúp bạn bớt căng thẳng hơn.
5. Xua tan sự bừa bộn 
Văn phòng giúp bạn làm việc hiệu quả là văn phòng không có stress. Trong khi đó, lộn xộn là một kẻ thù của sự hiệu quả. Do đó, bạn cần dành thời gian để dọn dẹp văn phòng của mình. Một văn phòng sạch sẽ, ngăn nắp giúp bạn dễ dàng tìm thấy những gì mình cần, và từ đó, mức độ stress cũng giảm xuống.
6. Chọn màu sắc tường nhẹ nhàng
Màu sắc của văn phòng có ảnh hưởng lớn tới tâm trạng của bạn. Do đó, nếu được phép, hãy sơn hoặc dán giấy tường màu phấn mềm mại thay vì màu trắng cổ điển như ở nhiều công ty hiện nay. 
7. Trang trí nghệ thuật
Treo một bức tranh yêu thích trong văn phòng có thể tạo cảm hứng cũng như giải tỏa stress. Dù chọn chân dung của một nhà kinh doanh mình ngưỡng mộ hay bức tranh phong cảnh, bạn đã mang tới nét hấp dẫn và vẻ đẹp cho góc làm việc của mình, đồng thời tinh thần của bạn cũng sẽ thoải mái hơn. 
8. Thêm yếu tố tự nhiên
Những gì về tự nhiên là một liệu pháp hiệu quả để trị stress. Chỉ cần một bình hoa tươi ở góc bàn làm việc hay thậm chí hình ảnh thác nước, bờ biển ở màn hình máy tính, văn phòng của bạn sẽ mang màu sắc tươi sáng hơn.
9. Chọn đồ đạc thoải mái
Khi chọn đồ dùng cho văn phòng, hãy ưu tiên cho sự thoái mải, chứ không phải vẻ ngoài của chúng. Có thể bạn là người có vị trí cao trong công ty và muốn gây ấn tượng với những người ghé qua bằng đồ đạc hào nhoáng. Nhưng hãy nhớ rằng bạn sẽ dành nhiều thời gian ở văn phòng của mình và bạn cần sự thoải mái. Do đó, hãy ưu tiên cho một chiếc ghế thoải mái thay vì một chiếc ghế cầu kì nhưng khiến bạn đau lưng khi ngồi lâu.
10. Thiết kế tối ưu hóa
Bạn sẽ cảm thấy bớt căng thẳng hơn khi làm việc trong môi trường dễ chịu và thân thuộc, từ máy móc thiết bị cần thiết tới đồ trang trí. Do đó, hãy chú ý thiết kế góc làm việc tối ưu hóa, mang tới sự tiện nghi và thoải mái nhất cho bạn.

Bí quyết giúp đánh tan stress trong tuần làm việc mới

Than vãn bòn rút năng lượng vì vậy đừng bao giờ làm thế. Theo Zeff, “Than ngắn thở dài không giúp được gì ngoài việc đem lại nhiều stress hơn cho bạn”.


Bạn đã bao giờ thức giấc và mệt nhoài tự hỏi “Lại đến ngày thứ hai rồi ư”? Nghĩ đến đống công việc làm bạn phát ngán và thế là cả tuần bạn như “lê lết” tại sở làm, hết stress lại stress.??? Vậy làm thế nào để bắt đầu tuần mới thật hoàn hảo?
1. Chuẩn bị tâm thế
Tạo môi trường làm việc hiệu quả, sáng tạo và tích cực
Theo Joel Zeff, tác giả quyển sách “Hãy lựa chọn đúng: Tạo môi trường làm việc hiệu quả, sáng tạo và tích cực,” tâm trạng vui vẻ là một sự lựa chọn, “Vào ngày chủ nhật, nếu bạn nghĩ về công việc sếp giao hay bản kế hoạch cho khách hàng, bạn đang để sếp và khách hàng chiếm lấy sự vui vẻ của bạn đấy. Thay vì vậy, hãy để tâm trạng thoải mái, kích hoạt óc tổ chức và niềm đam mê, những gì bạn muốn hoàn thành sẽ theo đúng hướng của nó.”
Vậy làm cách nào để bạn và gia đình tránh được cảm giác bực dọc vào mỗi buổi tối chủ nhật? Theo Steve Prentice, tác giả quyển sách “Kế hoạch thực tế để quản lý công việc và cân bằng thời gian”, hãy viết ra những nỗi chán chường của bạn và bạn sẽ nhanh chóng giải quyết được các vấn đề của mình.
2. Biết thực đơn trong các bữa ăn của bạn
Thoạt nghe tưởng chừng chuyện này không liên quan đến công việc, nhưng hãy nhớ lại xem đã bao lần bạn quáng quàng tìm đại một chỗ ăn trưa để rồi bữa ăn chóng vánh khiến bao tử bạn biểu tình suốt cả buổi chiều làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Đối với phụ nữ, “Năng lượng tinh thần vào lúc 3 giờ chiều mỗi ngày thường chỉ dành cho việc cân nhắc cần chuẩn bị món gì cho bữa tối của gia đình”. Do đó, hãy lên kế hoạch cho các bữa ăn tại sở làm và bữa tối tại gia đình.
3. Lên kế hoach đường đi nước bước
Mỗi sáng bạn vẫn đi từ nhà đến công sở theo đoạn đường đấy thôi, nhưng không ít lần đường… đột nhiên đông xe hoặc mấy phút ngủ nướng khiến bạn vắt chân lên cổ, và tstress vì sợ không kịp công việc. Hãy lên kế hoạch thực tế hành trình của mình khiến bạn chủ động được thời gian – không thừa không thiếu.
4. Dậy sớm 15 phút mỗi ngày
15 phút giúp bạn thêm thời gian thả lỏng và thoải mái thưởng thức bữa ăn sáng thay vì vừa chạy thục mạng ra khỏi cửa vừa ngậm bánh mì sandwich. “Bạn bắt đầu một ngày thoải mái bao nhiêu thì bạn càng có khả năng đối phó với stress tốt bấy nhiêu”.
5. Viết ra mọi thứ
Lắm lúc bạn quên cái điện thoại, ví hay tập hồ sơ ở nhà. Quay về lấy cũng không xong mà tiếp tục đến sở làm thì tâm trạng cứ thấp thỏm. Theo Prentice, bạn nên lập danh sách mọi thứ bạn thường mang theo và dán ở những nơi bạn dễ nhìn thấy nhất như: cửa tủ lạnh, đèn bàn…
6. Làm những việc quan trọng trước
Khoảng thời gian từ 9 giờ đến 11 giờ thường là khi bạn làm việc hiệu quả nhất. Đừng đụng việc nào làm việc đó khiến đầu giờ chiều trở thành ác mộng vì những công việc quan trọng nhất trong ngày bạn vẫn chưa làm xong.
7. Sẵn sàng đánh tiếng hỏi những gì mình cần
Theo Zeff, “Bạn cẩn hiểu rõ mình cần gì để cảm thấy vui vẻ. Nếu bạn không có được những thứ đó, thì có lẽ cho dù bạn có hiện diện tại sở làm, tâm trí bạn cũng không hề có ở đó. Hãy mạnh dạn đánh tiếng nhờ hỗ trợ hoặc nói rõ những gì mình muốn.”
8. Bánh ít đi, bánh quy lại
Tương tự, thay vì chỉ yêu cầu người khác hỗ trợ mình, hãy suy nghĩ xem bạn có thể làm gì cho đồng nghiệp và khách hàng. Theo Zeff, “Khi bạn hỗ trợ khách hàng, đồng nghiệp và đối tác, bạn sẽ nhận lại được gấp 10 lần như thế.”
9. Ngừng than vãn
Than vãn bòn rút năng lượng vì vậy đừng bao giờ làm thế. Theo Zeff, “Than ngắn thở dài không giúp được gì ngoài việc đem lại nhiều stress hơn cho bạn”.
10. Chấp nhận những thay đổi có thể xảy ra trong tuần làm việc mới
Thay đổi trong cuộc sống và công việc thường là nguồn gốc làm nảy sinh stress. Zeff cho biết, “Khi bạn cởi mở và kinh động với những thay đổi, stress không có khả năng tấn công bạn và niềm đam mê được khởi động. Điều đó tức là bạn làm việc hiệu quả hơn và năng suất cũng cao hơn”.

Làm sao"Nâng cấp" bản lĩnh nghề nghiệp

Chuyên gia Mandel cũng cho rằng tính hài hước chính là liều thuốc giải cho cảm giác stress nơi công sở. “Đừng xem bản thân và tất cả mọi việc quá quan trọng. Giả vờ nghĩ rằng tất cả chỉ như một vở diễn. Nếu chuyện này xảy ra cho nhân vật nào đó trên tivi, chúng ta sẽ lăn ra cười, nhưng khi chính chúng ta rơi vào những tình huống này, chúng ta lại trầm trọng hóa vấn đề lên.” Do đó, hãy thoải mái khi ở sở làm. Những người nói chuyện phiếm khiến người khác phì cười là những “thỏi nam châm tích cực và là “đinh” của các buổi tiệc”. Ngay cả điều đơn giản như màn hình mặt cười cũng có thể khiến bạn thấy bạn vui trở lại cơ mà.


Nghiệp vụ và kinh nghiệm giúp bạn hoàn thành tốt công việc, nhưng không thể giúp bạn thoát khỏi chuyện phe phái công sở, những khách hàng khó tính và hàng tá vấn đề giao tế khó xử khác? Đã đến lúc bạn cần "nâng cấp" bản lĩnh nghề nghiệp của mình.
Bản lĩnh nghề nghiệp quyết định chất lượng các mối quan hệ trong công sở và là yếu tố quan trọng trong bước đường thăng tiến của bạn. Đâu là những cách hiệu quả giúp bạn nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp của mình?
1. Giữ bình tĩnh
Theo nhà tâm lý học Anna Maravelas, tác giả quyển sách Cách thức giảm thiểu stress và mâu thuẫn công sở, trung bình một người phải đối mặt với 30 khủng hoảng mini mỗi ngày và phần lớn những chuyện khó chịu này xuất hiện tại sở làm. Thế nhưng, nếu bạn phản ứng thái quá khi máy photo bị hỏng hay khi đồng nghiệp tỏ ra quá đáng bằng cách mất kiềm chế và đẩy tình huống lên cao trào thì kết quả càng tệ hại hơn. Các hormon như cortisone, adrenaline được giải phóng khi bạn nổi “cơn thịnh nộ” và tiếp tục khiến bạn cảm thấy khó chịu trong ít nhất hai tiếng sau “bùng nổ”. Maravelas cho biết. “Hẳn nhiên là bạn không muốn mang những năng lượng độc hại đó về nhà.” 
2 . Thấu cảm
Hãy nhớ rằng 30 khủng hoảng mini ấy không chỉ xảy đến với riêng mình bạn, mà với tất cả dân công sở khác từ đồng nghiệp đến sếp lớn. Theo Maravelas, “Đủ thứ chuyện khiến ta phải lo: gia đình, tiền thuê nhà, thất nghiệp, bảo hiểm”. Vì thế, hãy “mắt nhắm mắt mở” với đồng nghiệp và nghĩ rằng ắt hẳn phải có lý do gì khiến họ xử sự như thế. Maravelas cho biết, “Hãy tỏ ra cứng rắn khi đối mặt với vấn đề công việc, nhưng cần khéo léo mềm mỏng trong giao tế nhân sự. Điều này tạo nên mối quan hệ tương hỗ tích cực. Họ sẽ nhớ cách bạn thông hiểu cho họ và trả lại cho bạn lúc bạn cần.” 
3. “Bế quan”
Đây là một cách khác để tránh stress gây ra bởi chuyện thị phi trong công sở. Theo Simma Lieberman, chuyên gia tư vấn về phát triển tổ chức, “Đóng cửa phòng làm việc lại nếu có, hoặc khép hẳn tâm trí lại. Trừ khi bạn cảm thấy cần thiết phải “vào cuộc”, nếu không, hãy mở iPod hoặc nghe nhạc và tỏ ra bình thản, quên những chuyện đáng ghét kia đi.” 
4. Lảng tránh
Đừng chúi mũi vào những mẫu đối thoại “nhiệt độ cao” với đồng nghiệp khó ưa. Theo Lieberman, nếu có ai đó đến gần bạn và cố tình bắt chuyện khiêu khích, câu trả lời khôn lanh là “Ấy, mình có công việc gấp. Nói chuyện sau nhé”. Nếu cả hội đang buôn chuyện, bạn có thể nói, “Nghe thú vị quá, nhưng tôi phải đi đây chút.” Nếu lúc nào đồng nghiệp cũng “họp chợ” trước mặt bạn, bạn có thể xã giao vài câu, hoặc kiếm cớ đi chỗ khác. Hay nhất là bạn giả vờ nhờ vả họ làm gì đó giúp bạn, họ sẽ lảng đi ngay lập tức. 
5. Thoát khỏi vùng ảnh hưởng
Dù là tâm trạng tích cực vui vẻ hay khó chịu, bực dọc đều có khả năng lây lan. Theo Debbie Mandel, tác giả quyển Nghiện Stress đồng thời là chuyên gia tư vấn về stress, “Bạn không nên dính vào vùng ảnh hưởng “khí hậu” khó chịu từ đồng nghiệp. Bạn nên đứng lên đi khỏi đó nhằm tránh vùng năng lượng tiêu cực, hoặc đắm mình vào công việc đang làm.” 
6. Tìm sự hài hước
Chuyên gia Mandel cũng cho rằng tính hài hước chính là liều thuốc giải cho cảm giác stress nơi công sở. “Đừng xem bản thân và tất cả mọi việc quá quan trọng. Giả vờ nghĩ rằng tất cả chỉ như một vở diễn. Nếu chuyện này xảy ra cho nhân vật nào đó trên tivi, chúng ta sẽ lăn ra cười, nhưng khi chính chúng ta rơi vào những tình huống này, chúng ta lại trầm trọng hóa vấn đề lên.” Do đó, hãy thoải mái khi ở sở làm. Những người nói chuyện phiếm khiến người khác phì cười là những “thỏi nam châm tích cực và là “đinh” của các buổi tiệc”. Ngay cả điều đơn giản như màn hình mặt cười cũng có thể khiến bạn thấy bạn vui trở lại cơ mà.
7. Bỏ lại phía sau lưng
Hạn chế để tồn đọng những vấn đề chưa giải quyết đến cuối ngày. Theo Lieberman, “Nếu chẳng may bạn mắc lỗi hoặc làm phiền người khác, hãy dành thời gian nói lời xin lỗi. Nếu bạn về nhà và mang theo nỗi lo công việc chưa giải quyết hoặc sự ái ngại trong ứng xử lúc còn ở công sở, thì bạn không thể có cảm giác thoải mái được”. Trên đường về, hãy tưởng tượng như mình đã đóng sầm cánh cửa công sở lại phía sau lưng và bắt đầu nghĩ về những gì bạn mong đợi khi về đến nhà. Sáng hôm sau lại khởi đầu một ngày hoàn toàn mới. Mỗi ngày là một cơ hội để tỏa sáng. Mảng xám sẽ bị xóa tan và ngày mới lại bắt đầu.

Bí quyết giúp cho phái nữ vượt qua định kiến nơi công sở

· Cho mọi người biết rõ rằng bạn phân định rõ ràng và chuyên nghiệp giữa công việc và các mục tiêu cá nhân.


Công sở luôn tồn tại nhiều định kiến sai lầm về phái nữ, nhất là khi họ giữ vị trí lãnh đạo. Một vài lời khuyên dưới đây của các chuyên gia sẽ giúp nữ giới xóa bỏ cái nhìn thiên kiến của sếp và đồng nghiệp dành cho mình.
Phụ nữ không đủ quyết đoán để lãnh đạo?
Hãy cứ là chính mình, để mọi người nhận biết chính bạn – chứ không phải giới tính của bạn
Theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu về nữ giới của Đại học Wellesley, các nữ lãnh đạo thường tập trung vào kết quả công việc và quan tâm phát triển yếu tố con người nên thường chọn hướng tiếp cận dân chủ khi vào vị trí lãnh đạo.
Theo Marystephanie Corsones, Giám đốc chương trình hỗ trợ của City Schools tại Kingston, New York, cho biết phái nữ thường tìm sự đồng tình và nhất trí khi ở vai trò lãnh đạo. Bà Katina Paron, giám đốc chương trình Children’s PressLine, nhận thấy nam giới thường có khuynh hướng tự giải quyết các vấn đề, nhưng bản thân bà khi ở cương vị cấp quản lý thường thích thảo luận trong cuộc họp hơn.
Sally Helgesen , tác giả quyển sách Lợi thế của nữ giới: phương thức lãnh đạo của phái đẹp, cho biết nhiều nữ doanh nhân thường tập trung vào các mối quan hệ trong công việc. Sẽ là không công bằng nếu có định kiến rằng phái yếu không thể giữ vị trí chủ chốt. Theo Sally, “Phương thức lãnh đạo giữa nam và nữ đang ngày càng tiệm cận và giống nhau bởi cuộc sống của hai phái cũng gần như nhau và các công ty đang có được thế cân bằng tốt hơn giữ các cấp lãnh đạo nam và nữ.”
Phụ nữ ở cấp lãnh đạo phải làm việc như nam giới?
Sally Helgesen cho biết, “Trong thập niên 80, phụ nữ được khuyến khích tìm hiểu về bóng đá để có thể giao tiếp tốt hơn khi bước lên vị trí quản lý – ngay cả khi họ không quan tâm chút gì về thể thao.”
Với kinh nghiệm làm việc từ những năm 60, bà Corsones cho biết việc bắt chước phong cách làm việc của nam giới đã xuất hiện trước đó bởi “văn hóa doanh nghiệp lúc đó do nam giới thống trị và những quy định hiện hữu bấy giờ cũng la do các quý ông đưa ra.”
Hiện nay, phái mạnh không còn là những hình mẫu lãnh đạo nữa.
Toàn tâm toàn ý cho gia đình tức là xao lãng việc công ty?
Mặc dù thực tế là mỗi chị em đều có “chiến lược” cân bằng gia đình và sự nghiệp khác nhau, mọi người vẫn luôn đánh đồng với nhận định như trên. Bà Corsones cho biết sếp bà đã từng hỏi vì sao bà chưa có con hoặc có ý định sinh con hay không. Những kiểu suy nghĩ đại loại thế không phải là hiếm hoi nơi công sở.
Theo Sally, “Phụ nữ phải chứng tỏ sự tận tâm với công việc mỗi ngày. Việc báo chí nói về các trường hợp nữ giới phải hy sinh công việc để toàn vẹn việc nhà càng cho thấy rõ cách nghĩ này”, mặc dù những trường hợp đó chỉ là thiểu số.
Bí quyết vượt qua định kiến nơi công sở
Hãy thử áp dụng những lời khuyên sau:
· Hãy cứ là chính mình, để mọi người nhận biết chính bạn – chứ không phải giới tính của bạn
· Hãy nhớ: bạn không cần phải làm theo những gì nam giới làm hay tuân thủ các định kiến
· Thiết lập quan hệ và học hỏi từ những chị em khác cũng đang ở vị trí lãnh đạo và không ngừng thăng tiến.
· Lấy ai đó để làm gương và noi theo. Họ đã vượt qua định kiến và bạn cũng có thể áp dụng những cách thức đó.
· Tìm phương thức lãnh đạo hợp với bạn – có thể là phương thức truyền thống hay phá cách miễn sao bạn có thể áp dụng hiệu quả
· Cho mọi người biết rõ rằng bạn phân định rõ ràng và chuyên nghiệp giữa công việc và các mục tiêu cá nhân.
· Tìm đồng minh thực sự.

Tận dụng thế mạnh giao tiếp để đạt thành công

- Tham gia khóa học về kĩ năng giao tiếp: Ăn nói khéo léo không phải là một tài năng bẩm sinh đối với tất cả mọi người. Nó chỉ đến một cách tự nhiên khi bạn học, luyện tập và ứng dụng thích hợp. 


Theo nghiên cứu, phái nữ có kĩ năng giao tiếp tốt hơn nam giới. Do đó, chỉ cần chú ý tới tầm quan trọng của nó, bạn có thể tận dụng thế mạnh này để tiến tới thành công nhanh hơn.
Nữ giới nên chú ý tận dụng lợi thế về tài ăn nói khéo léo của mình.
Có nhiều người rất thông mình về tính toán, công nghệ… những không thể đạt tới đỉnh cao thành công do thiếu kĩ năng giao tiếp. Đây sẽ là một bất lợi lớn, đặc biệt trong nền kinh tế hiện nay, khi các công ty có xu hướng kén chọn hơn trong việc tuyển dụng cũng như thăng chức cho nhân viên.
Ngược lại, với kĩ năng giao tiếp nổi bật, một nhân viên bình thường có thể tiến nhanh trên chiếc thang thành công. Vì vậy, nữ giới nên chú ý tận dụng lợi thế về tài ăn nói khéo léo của mình.
Nếu bạn gặp khó khăn về kĩ năng giao tiếp hoặc muốn tận dụng nó một cách tối đa, hãy bắt đầu bằng số mẹo nhỏ dưới đây:
- Mỉm cười: Không có gì làm tăng “Chỉ số yêu thích” của bạn bằng một nụ cười. Đừng tiết kiệm nụ cười khi chào hỏi hay nói chuyện với mọi người.
- Thể hiện sự quan tâm tới người khác: Không nhất thiết phải tặng quà hay mời cơm mới là thể hiện sự quan tâm. Đơn giản hơn, bạn chỉ cần cố gắng nói trong 35 - 40 % thời gian của cuộc nói chuyện và thời gian còn lại là lắng nghe. Chú ý là lắng nghe một cách cực, chứ không phải là gật gù cho qua chuyện. 
- Đi ăn với đồng nghiệp: Không hẳn hôm nào cũng đi ăn với đồng nghiệp nhưng vài bữa trưa hay bữa tối mỗi tuần với họ sẽ giúp mối quan hệ này bền chặt hơn. 
- Ghi nhớ điều người khác nói - thậm chí nếu bạn phải viết ra:Người khác sẽ hụt hẫng ra sao khi hỏi lại một vài điều họ cảm thấy hứng thú trong cuộc nói chuyện trước đó mà bạn lại không nhớ gì cả. Họ quan tâm đến những điều bạn nói và bạn cũng nên làm như vậy.  
- Cởi mở: Hãy sẵn sàng chia sẻ một chút thông tin cá nhân của mình. Nó khiến bạn gần gũi hơn với mọi người. 
- Tham gia khóa học về kĩ năng giao tiếp: Ăn nói khéo léo không phải là một tài năng bẩm sinh đối với tất cả mọi người. Nó chỉ đến một cách tự nhiên khi bạn học, luyện tập và ứng dụng thích hợp. 
- Vượt qua định kiến về những người giao tiếp khéo léo: Nếu bạn cho rằng ăn nói khéo léo giúp mình thăng tiến là xu nịnh, là lừa dối, là không công bằng, bạn cần thay đổi quan điểm đó. Bạn đã không đánh giá đúng tầm quan trọng của kĩ năng giao tiếp trong sự nghiệp và cuộc sống của mình. Hãy thử tưởng tượng xem, bạn sẽ thành công nhanh hơn khi có cả khả năng và kĩ năng giao tiếp tốt hay khi chỉ có khả năng?  

Học cách để trở thành nhà quản lý tận tâm

10. Thể hiện óc hài hước. Đa số trong chúng ta đều thích những người lạc quan, vui vẻ và có óc hài hước. Bạn không cần phải là người có khiếu kể chuyện cười, những hãy học cách cười một cách thoải mái và cởi mở.


Những nhà quản lý thành công thường là những người giải quyết các vấn đề đặt ra hàng ngày với một sự tận tâm chân thành. Trên thực tế, một người lãnh đạo tận tâm sẽ kích thích được lòng trung thành ở các nhân viên và điều này, như một hệ quả dễ chịu, có khả năng tác động tích cực đến việc nâng cao năng suất làm việc, giúp mọi người phấn chấn về tinh thần, từ đó giảm tỉ lệ nhân viên rời bỏ công ty.  
Những nhà quản lý thành công thường là những người giải quyết các vấn đề đặt ra hàng ngày với một sự tận tâm chân thành.
Cuộc sống là một chuỗi các sự lựa chọn, và bạn cũng có thể chọn cho mình con đường trở thành nhà lãnh đạo được nhân viên yêu mến.
Đây là một số bí quyết mà bạn có thể áp dụng trong cách hành xử của bản thân với nhân viên, với khách hàng, bạn hàng để thể hiện một kỹ năng lãnh đạo khéo léo và hiệu quả. Bằng việc áp dụng những chỉ dẫn này, bạn có thể gây dựng được sự tin tưởng và lòng trung thành nơi nhân viên, khi họ thấy rằng bạn quan tâm đến họ và công việc của họ một cách thành thực.
1. Cách khởi đầu của một ngày: đó chính là thời điểm tuyệt vời để thể hiện sự nhiệt tình trước một ngày làm việc mới. Hãy hồ hởi chào hỏi tất cả nhân viên của bạn. Lời thăm hỏi vào lúc sáng sớm sẽ giúp cho nhân viên có được một tâm trạng hưng phấn, vui vẻ suốt cả ngày làm việc. Và điều này đôi khi còn mang lại hiệu quả không ngờ.
2. Chủ động cho nhân viên cơ hội được nhìn thấy bạn thường xuyên trong thời gian làm việc. Hãy phát huy tác dụng việc điều hành bên ngoài văn phòng (Management By Walking Around) bằng cách đi vòng quanh công ty với nụ cười luôn nở trên môi, hạn chế ngồi lỳ trong phòng suốt ngày. Nếu nhân viên không lúc nào nhìn thấy bạn, họ có thể sẽ cảm thấy bị bỏ quên và thậm chí tệ hơn, trở nên chán nản.
3. Tổ chức các cuộc mừng công. Xác lập những mục tiêu nhỏ và mang tính thực tiễn mỗi tháng hoặc quý để nhân viên của bạn có thể nỗ lực hoàn thành. Đừng đợi đến khi bạn kết thúc một dự án lớn mới tiến hành tuyên dương, chúc mừng những người có công. Chỉ đơn giản với bánh kem và nước ngọt để ngợi khen những công việc đã được hoàn thành một cách xuất sắc. Sự biểu dương đúng lúc luôn có tác dụng như một ly nước lạnh xua tan đi cơn khát. Nếu để quá muộn, nó sẽ không có nhiều tác dụng vì khi đó người ta đã không còn khát nữa.
4. Khuyến khích nhân viên sắp xếp lại nơi làm việc. Mỗi vài tháng, cho nhân viên của bạn hai hoặc ba tiếng đồng hồ để vệ sinh góc làm việc, lau dọn bàn ghế, sắp xếp lại hồ sơ, sửa sang máy vi tính... Bất kỳ một nhân viên nào khi nhận thấy rằng người lãnh đạo quan tâm đến điều kiện làm việc và những đề nghị chính đáng của họ cũng đều thấy cảm kích. Vì vậy, họ sẽ nỗ lực làm việc hơn nữa như một hành động trả ơn. Vậy thì tại sao bạn lại không thể hiện điều đó?
5. Khi buổi chiều bắt đầu xuống (khoảng 15giờ), bạn hãy đi một dạo quanh văn phòng và hỏi thăm mọi người: “Công việc thế nào?” Đây là thời gian mọi người đã bắt đầu mệt mỏi và cần sự khích lệ. Họ sẽ đánh giá cao tính chu đáo của bạn.
Hãy khích lệ nhân viên của bạn tham gia vào các dự án cộng đồng mà công ty bạn thực hiện nếu họ đã hoàn thành tốt công việc chuyên môn.
6. Tạo ra một hòm thư góp ý nhỏ và tổng kết nội dung mỗi tháng một lần.Hãy để cho nhân viên của bạn biết rằng bạn quan tâm đến những nhu cầu của họ bằng việc ghi chép lại và tổng kết hàng tháng. Thông báo về những yêu cầu này bằng việc gửi thư đính kèm hoặc đính chúng lên trên bảng thông báo tại nơi làm việc.
7. Đưa ra những đề nghị mang tính khuyến khích cao. Hãy khích lệ nhân viên của bạn tham gia vào các dự án cộng đồng mà công ty bạn thực hiện nếu họ đã hoàn thành tốt công việc chuyên môn. Linh động thời gian cho các nhân viên giỏi với những lý do cá nhân (đau ốm, học thêm…). Hãy tặng thưởng cho nhân viên đã có nhiều thành tích trong công việc và đóng góp cho công ty những món quà nhỏ có tính chất động viên (vé xem phim, xem kịch, bữa ăn ở nhà hàng...). Để có thể trở thành nhà quản lý tận tâm, bạn phải học cách nắm bắt các vấn đề của nhân viên và cố gắng giúp đỡ họ. Sự thấu hiểu và cảm thông là yếu tố không thể thiếu trong tính cách của một nhà lãnh đạo.
8. Khuyến khích tình bạn giữa các nhân viên. Ai cũng muốn có được những người bạn thân thiết ở nơi làm việc, nhưng đa phần hoặc là quá bận rộn hoặc quá nhút nhát nên không thể chủ động kết bạn. Hãy tạo ra một môi trường tiếp xúc giữa các nhân viên để họ có điều kiện chia sẻ sở thích của họ với những người khác. Hầu hết các công ty, tổ chức đều thu hút được rất nhiều nhân viên có những tài năng đặc biệt.
Ví dụ, nếu bạn có một nhân viên nào đó trong công ty rất giỏi chơi cờ vua và sẵn lòng dạy lại cho những người khác, thì bạn hãy tạo điều kiện cho họ thực hiện điều đó bằng cách tạo ra không gian phù hợp. Bạn cũng có thể tổ chức những nhóm trao đổi khác như thêu đan, ngoại ngữ, đàn hát…Với những hoạt động này, ngoài sự yêu mến mà bạn nhận được từ nhân viên, thì một điều hết sức quan trọng mà bạn đạt được đó chính là sự đoàn kết trong nội bộ công ty. Thực tế đã chỉ ra rằng không có sức mạnh nào có thể lớn bằng sức mạnh tập thể.
9. Kiềm chế cơn giận giữ. Rất có thể một nhân viên nào đó đã làm bạn bực mình vì kết quả thực thi công việc của anh ta không đạt yêu cầu. Khi đó, thay vì quát tháo ầm ĩ, bạn hãy nói cho anh ta biết rằng bạn rất thất vọng vì kết quả đó hay vì cách anh ta làm việc, chứ không phải vì con người anh ta. Đây chính là điểm khác biệt giữa phê bình và chỉ trích. Hầu hết mọi người đều học được nhiều điều từ những lời phê bình chính đáng mang tính xây dựng, nhưng tất cả mọi người đều ghét bị chỉ trích cá nhân. Và bạn cũng thấy đó, những lời chỉ trích luôn luôn phản tác dụng.
10. Thể hiện óc hài hước. Đa số trong chúng ta đều thích những người lạc quan, vui vẻ và có óc hài hước. Bạn không cần phải là người có khiếu kể chuyện cười, những hãy học cách cười một cách thoải mái và cởi mở.
Những bí quyết trên rất dễ dàng áp dụng, nhưng không hề dễ dàng phát huy tác dụng, bởi một quy tắc tối quan trọng mà các nhà lãnh đạo tận tâm cần nhớ là mọi hành động của bạn phải xuất phát từ sự chân thành. Nếu không, tất cả những bí quyết trên đều trở nên phản tác dụng. Những nhân viên vô cùng thông minh của bạn sẽ chẳng khó khăn gì mà không nhận ra được nụ cười của bạn xuất phát từ trái tim hay từ khối óc.